Danh mục
Bài viết liên quan
Các thương hiệu mỹ phẩm làm đẹp lớn cũng sử dụng chiêu trò “tẩy xanh”
hot
18/11/2024
Khi tìm mua mỹ phẩm hiện nay, thật khó để không bắt gặp được một loạt các từ khóa như “sạch” và “tự nhiên”. Nhưng để hiểu được ý nghĩa thực sự những thuật ngữ marketing mơ hồ như vậy thường khó hơn nhiều so với việc cố gắng giải mã các tuyên bố về “xanh, bền vững” của ngành thời trang, theo một báo cáo mới của nền tảng xếp hạng bền vững Good on You.
“Nhìn chung, mức độ minh bạch trong ngành công nghiệp làm đẹp thấp hơn so với thời trang,” Sandra Capponi, đồng sáng lập của Good on You cho biết. Những tuyên bố cụ thể về bền vững trong mỹ phẩm rất nhiều, từ công thức không thử nghiệm trên động vật đến bao bì thân thiện với môi trường, “nhưng lại thiếu bằng chứng thuyết phục,” cô nhận xét.
Báo cáo mới công bố đầu tháng 10 của Good on You đã phân tích tính bền vững của gần 240 thương hiệu mỹ phẩm. Kết quả cho thấy, cả ngành mỹ phẩm và thời trang đều có những hạn chế tương tự nhau trong việc cung cấp thông tin chi tiết về các nỗ lực giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường. Tuy nhiên, ngành mỹ phẩm còn mờ ám hơn khi thiếu thông tin cụ thể về các sáng kiến đảm bảo minh bạch chuỗi cung ứng và ngăn chặn vi phạm nhân quyền.
Trong khi Good On You đã đánh giá hiệu suất bền vững của hơn 6.000 thương hiệu thời trang kể từ năm 2015, đây là lần đầu tiên tổ chức này lấn sân vào lĩnh vực mỹ phẩm, phơi bày những lỗ hổng lớn trong cam kết về bền vững của nhiều thương hiệu mỹ phẩm.
Chương trình xếp hạng này đánh giá nỗ lực của các công ty trong việc đảm bảo hoạt động của họ không gây hại cho con người, hành tinh hoặc động vật dựa trên thông tin công khai, sử dụng thang điểm xếp hạng các thương hiệu từ “Tránh xa” đến “Tuyệt vời”. Gần hai phần ba các thương hiệu mỹ phẩm được đánh giá xếp hạng "Không đủ tốt" hoặc tệ hơn.
Chỉ có hai thương hiệu - công ty khởi nghiệp về mỹ phẩm chăm sóc da và tóc Disruptor London và thương hiệu mỹ phẩm hữu cơ Odylique - được xếp hạng "Tuyệt vời". Những thương hiệu được đánh giá tốt bao gồm các nhãn hiệu độc lập Tropic và Pai Skincare, cũng như các nhãn hiệu lớn hơn như Garnier, Lush và Tata Harper thuộc sở hữu của Amorepacific.
Các thương hiệu như Revlon và Laura Mercier nằm trong số những công ty có điểm đánh giá thấp nhất, dưới 10 điểm trên 100. Các công ty này không phản hồi yêu cầu bình luận.
Một phần lý do là vì chuỗi cung ứng của ngành mỹ phẩm thậm chí còn phân mảnh rời rạc và phức tạp hơn thời trang, bao gồm một loạt các quy trình gây chóng mặt: Một hộp phấn mắt có thể được sản xuất tại Ý, đúc hộp tại Trung Quốc trước khi được bán ở Canada. Nó có thể chứa hơn một tá thành phần nguyên liệu riêng lẻ, mỗi thành phần có những nguồn cung riêng biệt. Nhưng các thương hiệu cũng thường xuyên không cung cấp cho người tiêu dùng thông tin cơ bản về nguyên liệu trong sản phẩm của họ, bao gồm danh sách thành phần chi tiết. “Tất nhiên, điều đó có tác động lớn đến sức khỏe con người nhưng tác động đến môi trường cũng là thật,” Sandra Capponi nhận xét.
Một số nguyên liệu thô được sử dụng phổ biến trong mỹ phẩm bị vướng vào những tranh cãi vì mối liên hệ của chúng với sự tàn phá môi trường hoặc vi phạm nhân quyền. Việc trồng dầu cọ, thường được sử dụng nhờ đặc tính dưỡng ẩm và tạo kết cấu đặc cho sản phẩm, cũng góp phần vào nạn phá rừng nghiêm trọng. Hầu hết các thương hiệu mỹ phẩm được Good On You đánh giá đều sử dụng dầu cọ trong sản phẩm của họ, nhưng ít hơn một nửa có chứng nhận nguồn gốc của thành phần này. Chỉ có 17% doanh nghiệp sử dụng dầu cọ từ những nguồn được chứng nhận. Ngay cả vậy, Good On You cho biết các chứng nhận cho dầu cọ bền vững cũng phải đối mặt với những chỉ trích.
Trong khi đó, mica, được sử dụng rộng rãi trong mỹ phẩm trang điểm để tạo độ lấp lánh và ánh nhũ, đã bị tẩy chay bởi mối liên hệ với lao động trẻ em. Gần 80% các công ty mỹ phẩm được Good On You đánh giá là không tiết lộ bất cứ điều gì về nguồn cung mica của họ. Và ngay cả khi nói đến việc thử nghiệm trên động vật - có lẽ là một trong những vấn đề nổi tiếng nhất về đạo đức đối với các thương hiệu mỹ phẩm - gần 80% các thương hiệu được Good On You phân tích không có chứng chỉ cho thấy họ không thử nghiệm trên động vật.
Good On You cho biết trang web và ứng dụng của họ thu hút hàng triệu người dùng mỗi ngày, những người sử dụng thang điểm của họ để tìm các thương hiệu phù hợp với giá trị của mình. Họ cũng hợp tác với các nhà bán lẻ, bao gồm chủ sở hữu trung tâm thương mại Unibail-Rodamco-Westfield và Yoox Net-a-Porter, để giúp họ quảng bá các thương hiệu bền vững hơn.
Hiện nay, các nhà bán lẻ đang tìm cách củng cố độ tin cậy của các tuyên bố bền vững của các thương hiệu mỹ phẩm giữa làn sóng kiểm soát “tẩy xanh” rộng khắp từ người tiêu dùng. Các cơ quan quản lý đang tìm kiếm sự minh bạch và chính xác hơn trong cách các thương hiệu chứng minh cho các hoạt động tiếp thị bền vững.
Đầu năm nay, Sephora đã ra mắt nhãn hiệu bền vững mới được cải tiến sau hai năm chuẩn bị. Hệ thống nhãn "Planet Aware" mới được thiết kế để làm nổi bật các thương hiệu có sản phẩm không chứa một số thành phần nhất định hoặc đáp ứng các tiêu chí môi trường cụ thể. Để đủ điều kiện, các công ty sẽ cần đáp ứng tối thiểu 32 tiêu chí liên quan đến nguồn nguyên liệu và công thức, bao bì, cam kết khí hậu của công ty và minh bạch với người tiêu dùng.
Good On You đã đẩy nhanh kế hoạch mở rộng vào lĩnh vực mỹ phẩm theo yêu cầu của các đối tác bán lẻ, bao gồm URW. Danh sách ban đầu các thương hiệu mỹ phẩm được đánh giá phản ánh một phần danh mục sản phẩm tại các trung tâm thương mại của họ.
“Đây là điều mà nhiều nhà bán lẻ đang vật lộn; làm thế nào để tránh việc ‘tẩy xanh,” Sandra Capponi nói. “Đó là trọng tâm lớn tiếp theo; chúng tôi có thông tin, việc cần làm bây giờ là đưa nó cho các doanh nghiệp để thu hút người tiêu dùng và thúc đẩy sự thay đổi của ngành công nghiệp mỹ phẩm”.
Bình luận